Công ty Luật Trí Hùng

Bao nhiêu sự nhầm lẫm

Ví dụ mà chúng tôi muốn nhắc tới trong bài viết ngắn ngủi này là dẫn chứng mà nhà logic học, học giả người Trung Quốc Triệu Truyền Đống [NXB Giáo Dục, 1999] đưa ra:

 

Anh chàng họ Lý được hứa hôn từ nhỏ với tiểu thư họ Trang. Sau này họ Lý lụi bại nên cô gái họ Trang đi lấy công tử họ Tiền giàu có. Họ Lý không chịu mới đến kiện quan phủ. Bao Công cho rằng lý lẽ thuộc về họ Lý nhưng không biết làm sao xử cho anh ta thắng, bèn nghĩ ra một kế. Hôm ra công đường cả ba người này bị Bao Công bắt xếp thành hàng dọc. Bao Công hỏi họ Trang:

 

Bao công sử án

 

– Ngươi muốn lấy “tiền phu” hay “hậu phu”, phải nghĩ kỹ và trả lời thật, không được thay đổi lại nữa.

 

Cô gái thấy phía trước mình là anh chàng họ Tiền, nên yên tâm nói:

 

– Tiểu nữ xin lấy tiền phu (người chồng phía trước).

 

Bao Công cho cô họ Trang ký vào biên bản xong lại phán:

 

– Tiểu thư họ Trang thật hiền huệ, không tham giàu mà vẫn lấy người chồng trước.

 

Kế đó, bắt họ Trang lấy họ Lý.

 

Câu chuyện chẳng biết thực hư bao nhiêu nhưng tính thời sự của nó thì còn nóng hổi cho đến tận bây giờ. Ở xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người dân cảm thấy rất thỏa mãn với cách xử này, bởi vì cái gọi là “công lý” đã được xác lập. Tuy nhiên chúng tôi cũng như Triệu Truyền Đống và nhiều người khác buộc lòng phải thừa nhận rằng Bao đại nhân của chúng ta đã giành lấy “cái mà ông cho là công bằng” thông qua một “luật chơi không công bằng” (chơi xấu) và dĩ nhiên người bị xử không “tâm phục khẩu phục” vì họ nhận ra họ bị “gài bẫy”. Bao Công đã đưa “mẹo” vào trong tư pháp, xử án bằng thủ thuật chứ không phải bằng lý lẽ thuyết phục và logic. Bao đại nhân cố tình đưa ra một khái niệm có thể bị đánh tráo dễ dàng: chữ tiền và chữ hậu trong tình huống này có thể đánh tráo qua lại giữa “thời gian” (ngày trước – sau này) hoặc không gian (phía trước – phía sau). Nói thẳng ra đó là một cách ngụy biện của Bao đại nhân, ông dùng một giả định mơ hồ để đưa đối phương vào bẫy, mở cho mình một cách lý giải “hai mang”, “hai mặt” – một điều tối kỵ trong nguyên tắc tố tụng. Khi đó, chúng ta cũng hiểu kể cả cô gái họ Trang có chọn “hậu phu” đi chăng nữa thì Bao Công lại “xoay” sang cách hiểu “hậu phu tức là “người chồng PHÍA sau (mình)”. Cho nên khi đã giăng cái bẫy này thì cô gái họ Trang khờ khạo kia (tuy tham lam tiền bạc – nhưng xét theo mặt bằng của thế gian thì cũng đã đáng gì) có trả lời thế nào cũng đều không thoát khỏi cái lưới bao biện mà Bao đại nhân đã giăng ra để bắt con mồi tội nghiệp.

 

Cách thiết lập “công lý” theo kiểu “bịt mồm” nhau như vậy không thể hiện bản chất công lý, mà nó có bản chất của “lòng thương”. Tùy thuộc vào đạo đức, tình thương và lòng trắc ẩn của người xử án đến đâu thì kết quả vụ án sẽ được định đoạn đến đó. Thứ luật tưởng như “nghiêm minh” mà lạc hậu này từ thời Pháp gia Chiến Quốc mà điển hình là Thương Ưởng và Hàn Phi Tử, khi đó đã đề ra “pháp” nhưng lại còn phải dùng “thế” và đặc biệt là “thuật” để vận hành thì thứ pháp đó thực sự “có vấn đề”. Và dĩ nhiên lịch sử đã chứng minh nó “có vấn đề” thật sự.

 

Cho nên, tư pháp hiện đại không quan trọng “công lý nào” được xác lập mà người ta buộc phải tuân thủ nguyên tắc tố tục, tức là quan tâm tới “công lý được xác lập như thế nào” (cách nào, con đường nào, tiến trình nào, nguyên tắc nào…)? Và do đó, ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, tiến trình của một vụ án bị chi phối của luật tố tụng là chủ yếu. Mỹ không có luật tố tụng Liên bang nhưng lại có các nguyên tắc tố tụng ở mỗi bang quy định rất rõ các nguyên tắc phải tuân thủ, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm từng bên… trong các giai đoạn diễn biến khác nhau của vụ án [Những mô hình TTHS điển hình trên thế giới. NXBHĐ 2012, tr367-368]. Khi đó mặc kệ “ông Bao Công” có thương hay có ghét cũng đành lòng “cắn răng mà chịu” bởi vì việc vụ án được kết thúc thế nào không do ông ta “cảm nhận và phán quyết” mà do thực tiễn khách quan (quy luật) đưa đẩy tới; ít nhất nó không triệt tiêu hoàn toàn cảm tính của con người thì cũng giảm thiểu sự chủ quan và tình cảm ở mức có thể.

 

Cho nên, vì sao chúng tôi rất căm ghét bọn trộm chó nhưng vẫn không chấp nhận cho người dân tự ý đánh chết chúng (và chúng tôi gọi đó là “luật rừng”). Thực ra không phải nhân đạo hay không nhân đạo mà vì chúng tôi quan niệm pháp trị theo hướng bản chất, không có gì, không vì lý do nào, không cách nào, không ai, không ở đâu… nằm ngoài (tự ý, làm trước, làm ngoài, bỏ qua…) pháp luật.

 

Có những điều thú vị nhưng hiểu được không hề đơn giản mà cần phải suy nghĩ chẳng hạn quan niệm bản chất vi phạm hình sự của các nước hầu như đều không đổi. Ví dụ như trong luật Mỹ, bản chất tội hình sự (ví dụ giết người) không phải nằm ở hành vi ứng xử “sai” giữa người với nhau mà là một hành vi chà đạp lên pháp luật (sai luật) do bang đặt ra (nghiêm cấm giết người), tức là chống lại bang. Do đó khác với quan hệ dân sự, ở hầu hết các nước thì quan hệ hình sự là “quan hệ phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện một hành vi mà Nhà nước quy định là tội phạm” [Pháp luật đại cương. NXB Chính trị Quốc gia 2007, tr165-166]. Và do đó người ta phải chịu hình phạt bởi vì họ “vi phạm pháp luật” chứ không phải vì họ vi phạm tiêu chuẩn của ai đó, mắng mỏ ai đó, xỉ nhục ai đó, đánh ai đó, giết sinh vật nào đó. Vấn đề ở đây là hành vi đó có bị pháp luật cấm hay không, tức là có đè lên luật hay không (chứ không phải đè lên cá nhân cụ thể).

 

Cũng trong luật Mỹ, câu hỏi “bản chất triết học” của chế độ tổng thống Mỹ là gì? Chúng tôi may mắn tìm được câu trả lời rất khoa học, một trong những ý nghĩa triết học quan trọng của nó là quan điểm “không phân chia [ra thành] và không đề cao đa số hoặc thiểu số” [Nguyễn Anh Hùng. Chế độ tổng thống Mỹ, NXB LĐ, tr58]. Khá nhiều người lầm tưởng rằng người Mỹ chống lại độc tài (thiểu số) và đề cao đa số (cho nên tưởng rằng ở Mỹ thì số đông có quyền hạn tuyệt đối), tuy nhiên họ đã lầm, sự thật thì người Mỹ chống lại cả hai quan điểm trên, tức là vừa chống độc tài và cũng chống cả đám đông manh động (quá trớn), họ hướng tới cân bằng cả hai.

 

Nhận thức một vấn đề là câu chuyện còn dài. Trong cuộc sống cũng có rất nhiều điều chúng ta hiểu sai, hiểu lầm, hiểu không thấu đáo hoặc hời hợt. Thực tế là cách nhìn nhận của con người (tức là tính sâu sắc) đối với một sự việc cũng được chia ra khá nhiều cấp độ. Tính sâu sắc của nhìn nhận chính là khả năng tiếp cận chân lý của người phán đoán; trước một vấn đề có nội dung và hình thức nhất định sẽ có nhiều đánh giá khác nhau, một nhận định càng sâu sắc bao nhiêu thì càng tiến đến gần chân lý bấy nhiêu.

 

Nhận định của chúng ta xuất hiện ở mọi mặt của đời sống, nó liên quan tới hoạt động xã hội: từ cuộc sống thường này cho đến những vấn đề liên quan tới chuyên môn, nghiệp vụ hay khoa học; từ tự nhiên đến xã hội, từ văn hóa tới kỹ nghệ; từ ngôn ngữ tới động tác… Để có thể nhìn nhận vấn đề thấu đáo, trước hết cần mở mang kiến thức, sau đó cần tư duy nghiêm túc và cẩn trọng, tiếp nữa phải tập thói quen làm việc theo khoa học mới được.

 

Tiểu Phi

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

sang tên sổ đỏ, làm sổ đỏ, sang tên sổ đỏ tại hà nội, sang tên sổ đỏ nhanh, thủ tục ly hôn, thay đổi đăng ký kinh doanh, làm sổ đỏ nhanh, tách sổ đỏthừa kế đất đaixin giấy phép kinh doanh thuốc lá, xin giấy phép phòng cháy chữa cháy, xin giấy phép kinh doanh rượu, lập di chúc, tranh chấp đất đai thám tử tư cong ty tham tu Bảo Minh